Mô tả
Tây Du Ký là một bộ sách mà hơn ba trăm năm qua nhà nhà đều biết; già trẻ, gái trai đều đọc say mê.
Tác giả Tây Du Ký là Ngô Thừa Ân; một nhà văn rất giàu óc hài hước; hầu hết các nhân vật đều được ông lột tả hết sức khôi hài, nhất là Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới.
Ngô Thừa Ân là người ở vào nửa triều đại nhà Minh (Trung Quốc) trở về sau. Ông đã chứng kiến nhiều chuyện hủ bại của triều đình phong kiến, trong lòng đầy rẫy sự bất bình, nên đã sử dụng một bút pháp hài hước, châm biếm chua cay để lên án. Ông mượn bối cảnh của đời Đường dựng lên câu chuyện Tây Du Ký; nhưng tình tiết, sự kiện lại là những việc đang xảy ra ở đời Minh. Câu chuyện Hổ Lực Đại Tiên ở nước Xa Trì dùng nước tiểu trẻ con để luyện “Thủy kim đơn” chính là hình thức châm chọc tiêu biểu, nhằm vào hành động tin dùng bọn phương sĩ của Minh Thế Tông, mù quáng uống cả nước tiểu trẻ con (đồng tiện) mà vẫn cho là tiên dược.
Suốt cuộc hành trình thỉnh kinh của Đường Tăng, sau lưng bọn yêu quái lộng hành đều có sự bao che của các thế lực trên thiên đình, nhờ vậy mà chúng vẫn bình an vô sự. Tác giả muốn thông qua câu chuyện Tây Du Ký để vạch tội, lên án bọn vua quan phong kiến thời bấy giờ.
Đời sau, rất nhiều họa sĩ đã lấy cảm hứng từ nguyên tác Tây Du Ký làm đề tài về truyện tranh, nhất là truyện tranh hài hước. Nổi tiếng nhất là bộ truyện tranh liên hoàn của Trung Quốc mà ngày nay không còn biết ai là tác giả. Nguyên bản rách, mất nhiều đoạn; về sau, mỗi khi in đều có họa sĩ khác vẽ bổ sung vào, trở thành công trình của một tập thể họa sĩ… khuyết danh. Bộ truyện tranh này đã được sao chụp, dịch in lại bằng nhiều thứ ngôn ngữ tại các nước Á châu, rất được đọc giả từ người lớn đến trẻ em yêu thích.
Tại Đài Loan, một bộ truyện tranh hài hước Tây Du Ký khác của họa sĩ Trần Định Quốc, xuất hiện từ thập niên 50 trên tờ tạp chí “Thiếu Niên Phương Đông” cũng rất nổi tiếng.
Nhưng có lẽ, Nhật Bản mới là quê hương của truyện tranh hài hước Tây Du Ký. Đã có một thời kỳ bùng nổ loại truyện này với sự tham gia của rất nhiều họa sĩ tài danh, các nhân vật xuất hiện trên giấy với nhiều diện mạo tức cười khác nhau. Trong số đó, tập truyện tranh của họa sĩ Tiểu Đải Cang Tịch đã được dựng thành phim hoạt hình và nổi tiếng khắp thế giới.
Suốt mấy trăm năm qua, Tây Du Ký lúc nào cũng được người đọc yêu thích. Điều đó là do kết cấu hợp lý của một câu chuyện hết sức sinh động, cá tính của từng nhân vật được khắc họa một cách đáng yêu; người tốt, người xấu đều rất chân thực – rất người. Nhân vật Tôn Ngộ Không lại càng nổi bật, ông ta bỡn cợt với tất cả mọi người, mọi giới trên đời, không biết kiêng sợ bất kỳ thế lực nào, dám nghĩ dám làm, hành động thì giàu lòng nghĩa hiệp, quang minh chính đại…
Gần đây, cứ cách vài ba năm lại có người cải biên Tây Du Ký và vẽ thành truyện tranh hài hước. Nhất là với sự tham gia tạo hình của máy vi tính, số lượng càng lúc càng nhiều. Chỉ tính riêng tại Đài Loan đã có: “Tây Du Ký chính bản” của Lâm Văn Nghĩa, “Hy Du Ký đơn bức” của Tôn Gia Dụ, “Đại Tây Du” của Trần Hoằng Diệu và bộ “Tây Du Ký 36 tập” của Thái Chí Trung.
Tập truyện tranh mà bạn đang có trên tay, được biên tập lại từ tác phẩm gốc của họa sĩ Thái Chí Trung, lời Việt do Tiêu Lang biên soạn mới, nhằm tạo sự gây cười thích hợp với “khẩu vị” Việt Nam.
Tất cả sự kiện trong bộ truyện tranh hài hước dài 5 tập này, là một sự kết hợp sinh động giữa tranh và lời, trong một không khí… rất hiện đại. Điều này cũng không có gì lạ, vì sau này, 81 nạn trên đường thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng, biết đâu sẽ trở thành những trận đánh kinh thiên động địa giữa Tôn Ngộ Không và… các vì sao!
Trọn bộ Tây Du Ký Hài gồm 5 tập:
– Tập 1: Đại náo thiên cung
– Tập 2: Đường thỉnh kinh… thật vui
– Tập 3: Diệt trừ yêu quái
– Tập 4: Tôn Ngộ Không thật, Tôn Ngộ Không giả!
– Tập 5: Kinh không chữ